Xin giới thiệu với độc giả một trong những quan điểm đó của ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà báo, một Blogger nổi tiếng trong cộng đồng Bloggers Việt Nam.
Thời gian qua có hai sự kiện về truyền thông gây ra chấn động dư luận trong nước và quốc tế: Chân Dung Quyền Lực và Charlie Hebdo.
Charlie Hepdo là tờ báo châm biếm của Pháp đã châm biếm không từ bất cứ một ai kể cả những đấng thần linh tôn giáo. Tòa soạn tờ báo đặt tại trung tâm Paris đã bị bọn khủng bố cực đoan tấn công giết hầu như toàn bộ các nhân viên và các nhà báo đang có mặt tại đó.
Sư kiện bi thảm đó đã thu hút hàng triệu người, trong đó có cả những vị lãnh đạo nhà nước ở Châu Âu, tham gia vào cuộc biểu tình lên án những kẻ xâm phạm quyền tự do báo chí. Và từ sự kiện đó đã tạo ra một phong trào "Je suis Charlie" rộng lớn trên khắp Châu Âu. Ấn phẩm đầu tiên của Charlie Hebdo sau vụ tấn công, đã in lên đến 3 triệu bản vẫn không đủ để bán. Những người có được ấn bản đó đã rao bán trên mạng và đã bán được đến 100.000 bảng Anh!
Charlie Hebdo mới ra lại
sau khi bị tấn công
Một người gốc Việt ở Châu Âu có được
hai tờ Charlie số mới được xem là
hiếm hoi và rất hãnh diện
Chân Dung Quyền Lực là một trang blog không biết làm ra từ bao giờ nhưng bắt đầu thu hút sự quan tâm của người đọc tiếng Việt trong và ngoài nước trong thời gian gần đây, trùng hợp với thời gian chuẩn bị cũng như diễn ra hội nghị 10 của ban chấp hành trung ương đảng CSVN. Các bài viết nêu lên khối tài sản khổng lồ của một số quan chức lớn và của con cháu họ đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Và sự chấn động dư luận mà CDQL gây ra ngay trong thời gian diễn ra hội nghị 10 là thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh khi trang đó đưa tin trước rất chính xác về lịch trình chuyên cơ đưa ông Thanh về Việt Nam, một thông tin mà ngay cả các quan chức có trách nhiệm cũng như các tờ báo chính thống của đảng cũng không có được.
Nhìn cảnh xôn xao nhốn nháo của hàng ngàn người dân hiếu kì, hàng trăm nhà báo đi săn tin tại sân bay và bệnh viện Đà Nẵng vào hôm ông Thanh được chuyên cơ từ Mỹ đưa về mới hình dung ra được "quyền lực" của CDQL là lớn như thế nào trong dư luận.
Sau khi chiếm lĩnh được niềm tin của dư luận, CDQL lại tung tiếp ra thông tin về khối tài sản khổng lồ của một quan chức cao cấp khác và của con cháu vị nầy với đầy đủ tang chứng, tài liệu, hình ảnh chứng minh. Thông tin nầy có vẻ như rất khả tín đối với rất nhiều người.
Bây giờ thì hầu như chỗ nào cũng nghe bàn luận về CDQL. Từ các quán cà phê, các bàn nhậu, đến các trang mạng xã hội và đến các cơ quan truyền thông uy tín nước ngoài như RFI, BBC, VOA, RFA...Số lượng truy cập vào trang nầy nhảy vọt lên trên 10 triệu lượt trong vòng vài tuần lễ đã nói lên điều nầy. Một cựu quan chức quốc hội đã chính thức phát biểu trên BBC về CDQL. Trước đó một vài quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước VN trong các phát biểu chính thức cũng đã bóng gió đề cập đến CDQL.
Dư luận tập trung vào CDQL, hầu như không còn bàn cãi những thông tin đưa ra trên đó đúng hay sai nữa mà xoáy vào chủ đề: Quyền lực nào đứng sau CDQL? Có rất nhiều suy đoán, nhưng phần lớn đều tập trung vào hai giả thiết...mà không cần nói ra ở đây nhưng ai cũng biết.
Ông Trần Quốc Thuận, cựu quan chức quốc hội, khi phát biểu trên BBC, đòi phải điều tra tìm ra ai là kẻ đứng sau và truy tố ra pháp luật. Ý kiến đó đã đón nhận không ít phản ứng trái chiều nhau của dư luận.
Cá nhân tôi thấy chưa cần thiết phải tìm hiểu quyền lực nào đứng sau CDQL. Cái cần thiết trước mắt là phải xác minh những nội dung trên một số bài viết của trang nầy là đúng hay sai.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã hô hào chống tham nhũng và hiện thực hóa hô hào đó bằng các đợt chỉnh đảng rất tốn kém. Ông còn đẩy mạnh hơn nữa bằng cách lập ra hẳn môt ban nội chính trực thuộc bộ chính trị với các chân rết đến các địa phương để chuyên lo về việc chống tham nhũng và làm sạch bộ máy công quyền bên cạnh một hệ thống chống tham nhũng khá đồ sộ trực thuộc chính phủ cũng rất tốn kém và đã có từ lâu.
Ông Trương Tấn Sang cũng luôn luôn kêu gọi chống tham nhũng. Ông có phát biểu về "bầy sâu" ăn hại và tàn phá đất nước nằm ngay trong bộ máy công quyền rất ấn tượng.
Và hầu như tất cả các quan chức của đảng và nhà nước từ cao nhất xuống đến các địa phương đều kêu gọi chống tham nhũng và đều tỏ ra rất nhiệt tình trong việc chống tham nhũng. Hầu như ai cũng khuyến khích mọi người đứng ra tố giác tham nhũng để cơ quan chức năng điều tra làm rõ và triệt phá bọn tham ô.
Thì đây, CDQL đã làm công việc đó. Trang nầy đã liên tục đưa ra các bài viết tố giác các quan chức trong bộ máy cầm quyền có những khối tài sản khổng lồ bất minh với những tang chứng và tài liệu kèm theo rất rõ ràng. Tố giác nầy có thể đúng hay không đúng, nhưng các cơ quan chức năng không thể nhắm mắt làm ngơ.
Tôi cho rằng, những tố giác của CDQL là hết sức quý báu dù là xuất phát từ ai và từ động cơ gì. Đó là những tài liệu, những dấu hiệu vô cùng cần thiết để cho các cơ quan chống tham nhũng nhảy vào tìm hiểu, điều tra và xác minh. Những cơ quan chống tham nhũng là những cơ quan nào? Đó là:
- Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
- Ban nội chính trung ương do ông Nguyễn Bá Thanh đứng đầu
- Tổng thanh tra nhà nước
- Cơ quan điều tra bộ công an
.....
Đã có những tố giác đích danh kèm theo tang chứng và các tài liệu, nhân dân cả nước đang trông mong vào các cơ quan chức năng kể trên cần phải có những bước điều tra xác minh đúng sai. Nếu đúng thì truy tố kẻ bị tố giác, đưa họ ra tòa vì tội tham ô. Nếu không đúng thì truy tìm ai đứng sau CDQL và truy tố kẻ đó ra pháp luật về tội vu khống và cao hơn là tội tuyên truyền hoặc âm mưu chống lại nhà nước.
Nếu bộ máy chống tham nhũng khổng lồ và rất tốn kém nói trên không làm những việc đó thì đừng bao giờ hô hào việc chống tham nhũng nữa.
Nguồn: Huỳnh Ngọc Chênh
No comments:
Post a Comment