NHỮNG NIỀM ĐAU ẨN NẤP
ĐIỆP-MỸ-LINH
Trên con đường từ Hà Nội đi Phả Lại, thân xe vặn vẹo nhiều hay ít, âm thanh cút kít phát ra lớn hay nhỏ là do diện tích và chiều sâu của từng ổ gà và chiều dài của từng đoạn đường đang được sửa chữa. Để sửa chữa, mấy bác phu làm đường gánh từng gánh đá hoặc đất rải lên mặt đường và một toán phu khác dùng xẻng và cào để cào đá và đất cho bằng phẳng. Lúc xe qua những đoạn đường như vậy bụi đỏ phủ trùm cả chiếc xe.
Có đoạn hành khách phải xuống xe đi bộ để xe có thể vượt qua những khúc đường quá tệ.
Chính nơi những đoạn đường quá tệ đó, Bảo Trân thấy nhiều cái bếp dã chiến, do ba viên đá lớn được kê theo hình tam giác, bên dưới lửa cháy phừng phừng, bên trên là một thùng phuy đựng dầu hắc. Mùi khói từ bếp lửa hoà với mùi hắc ín đang sôi trong thùng phuy tạo thành mùi hăng hắc, ngột ngạt khó thở. Một toán phu làm đường dùng một cái gáo nhỏ bằng kim loại, cán bằng gỗ, thật dài, múc hắc ín đổ lên mặt đường mà đá và đất đã được rải sẵn. Nhìn quanh không thấy chiếc hủ-lô nào cả, Bảo Trân tự hỏi không hiểu mấy bác phu làm đường áp dụng phương pháp nào để nện hắc ín xuống mặt đường?
Xe đến bến phà Phả Lại. Trong khi tài xế đậu xe, chờ đến phiên mua vé qua phà, mọi người phải xuống xe đi bộ lên phà. Hai dãy lều tranh dọc hai bên bến phà cũng bán những thứ vặt vãnh như các bến phà thuộc miền Tây Nam Việt, chỉ khác một điều, trái cây miền Nam lớn gấp mấy lần trái cây ở đây.
Phà từ từ rời bến. Nhìn ruộng vườn cằn cỗi hai bên bờ sông, Bảo Trân thở dài. Tiếng thở dài này so ra cũng chẳng khác chi tiếng thở ra não nuột của nàng khi nàng xuôi dòng sông Rein bên Âu Châu vào một sáng mùa Hạ. Lúc ấy, nhìn những toà lâu đài cổ chễm chệ trên đỉnh núi cao, thấy những vườn nho xanh rì chập chùng, chập chùng tiếp nối nhau trên mấy triền đồi thấp và những cánh đồng phẳng phiu vàng rực hoa hướng dương cùng những giỏ hoa đủ màu treo lủng lẳng trước mỗi ngôi nhà xinh xinh, Bảo- Trân chợt so sánh phận người nơi đây và phận người nơi nàng đã phải lìa xa gần một phần tư thế kỷ. Tiếng harmonica rộn rã trên chiếc phà đầy đủ tiện nghi bên trời Âu chỉ có thể tạm thời xóa bớt niềm ưu tư trong lòng Bảo Trân chứ không thể nào khiến Bảo Trân phải bận tâm như người đàn ông trọng tuổi trên chiếc phà cũ kỹ tại bến sông Phả Lại này.
Người đàn ông đội nón cối, mặc bộ bà ba đầy cáu bẩn và mang đôi dép làm bằng vỏ bánh xe hơi. Ông đứng lẻ loi nơi góc phà, hai tay vịn ghi-đông xe đạp, mắt ông trông hoang vắng lạ thường. Thỉnh thoảng ông quay nhìn ra sau rồi đưa tay vuốt nhè nhẹ lên một cái rương rất nhỏ bằng gỗ, được chạm trổ, sơn màu rêu và được buộc chặt nơi yên sau. Từ ánh mắt, gương mặt, cử chỉ của người đàn ông cũng như hình thể cái rương nhỏ thoát ra sự kỳ bí lạ lùng, kích thích sự tò mò của Bảo-Trân. Nhìn cái rương một lúc, Bảo-Trân nhớ ra là nàng đã thấy vài cửa hàng ở Hà-Nội bán loại rương này. Bảo-Trân dự tính sẽ tìm dịp thuận tiện để hỏi thăm người đàn ông xem loại rương này được dùng để làm gì.
Chiếc phà chỉ vượt qua đoạn sông nhỏ, nước đục phù sa. Quang cảnh trên bến phà, cũng như trên phà, không xô bồ, tấp nập như ở Bắc Mỹ-Thuận hoặc Bắc Vàm-Cống. Nhìn dòng sông, Bảo-Trân chợt nhớ những lần vào vùng đóng quân thăm Hoan, chồng nàng. Bảo-Trân thở dài, tự hỏi tại sao, dường như hầu hết những lần thăm Hoan, kể từ khi Hoan còn là một sĩ quan cấp úy, đến cấp tá, rồi vào tù và mãn hạn tù, Bảo-Trân đều phải vượt qua thật nhiều chướng ngại? Lần này, tuy cũng phải vượt qua nhiều khó khăn, nhưng bù lại, Bảo-Trân được dịp ngắm nhìn một phần đất nước mà từ nhỏ nàng cứ nghĩ rằng sẽ không bao giờ nàng được đặt chân tới!
Phà cập bến. Bảo-Trân bước nhanh về hướng người đàn ông dắt xe đạp, có chở cái rương nhỏ phía sau. Hai người im lặng đi bên nhau giữa những người vội vã xuống và lên phà. Người đàn ông thường nhìn xuống, vành nón cối che bớt một phần khuôn mặt khắc khổ và đôi mắt đăm chiêu. Theo cách người đàn ông dắt chiếc xe đạp, Bảo-Trân nghĩ có lẽ trọng lượng cái rương không đáng kể. Vậy mà chốc chốc người đàn ông
lại sờ sợi đay chằn phía sau xem tình trạng cái rương. Hai người lên đến con dốc nhão nhoẹt bùn. Ngại sẽ không còn dịp thỏa mãn tính tò mò, Bảo-Trân chờ đến lúc người đàn ông vừa đưa tay sờ cái rương, vội đánh bạo hỏi:
- Thưa ông, cái rương đó đựng cái chi mà từ hồi trên phà cháu đã thấy ông nâng niu, quyến luyến một cách hết sức đặc biệt vậy?
Người đàn ông thoáng giật mình, không ngờ ông bị để ý kỹ như vậy. Nhưng qua giây phút bất ngờ đó, nét mặt người đàn ông trở lại u buồn. Ông chậm rãi nhìn Bảo-Trân. Nghe giọng nói và nhìn nhân dáng, ông biết Bảo-Trân là du khách nước ngoài. Ông phân vân, không biết có nên nói ra nỗi lòng thầm kín của ông cho một người lạ biết hay không. Ông nhìn Bảo-Trân một lần nữa và nhận ra khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt thật thà của nàng nên ông thở ra, khẽ đáp:
- Hài cốt của thằng con tôi!
Bão-Trân giật mình, lính quýnh:
- Ô, cháu xin lỗi. Cháu thành thật xin lỗi ông.
- Có gì đâu mà lỗi với phải, cô. Vì cô là người miền Nam và lại từ nước ngoài về nên cô không biết chứ ở đây họ thấy cái này - người đàn ông hơi xoay mặt ra sau, xoa nhẹ cái rương - là họ biết liền.
Thấy ông cụ đã không phiền mà còn tỏ ra cởi mở, Bảo-Trân lại hỏi:
- Chắc con ông mất trong thời chiến tranh, bây giờ ông cải táng, phải không, thưa ông?
- Không. Cháu nó mất sau khi nước nhà thống nhất mới khổ chứ, cô!
- Sao mà tội quá vậy!
Từ ngày được tin con ông mất cho đến nay chưa bao giờ ông dám để lộ sự bất mãn với bất cứ ai; vì ông ngại đến tai chính quyền thì phiền. Nhưng bây giờ nghe Bảo-Trân hỏi, ông nghĩ Bảo-Trân không biết ông là ai và rồi Bảo-Trân cũng sẽ chẳng ở lại đây để nói lại với ai cả nên ông bùi ngùi thố lộ nỗi niềm:
- Vợ chồng tôi nghèo, lại hiếm muộn, chỉ sinh được mỗi mụn con. Nó vừa nhớn nhớn một tý là vợ chồng tôi gửi nó ra Hải-Phòng để bác nó nuôi, cho ăn đi học. Năm năm tư, gia đình bác nó di cư vào Nam, đem nó theo. Mấy mươi năm bặt tin, đến khi nước nhà thống nhất, tôi tìm ra được ông anh thì mới biết thằng con của tôi đang cải tạo ở Lạng-Sơn. Vợ chồng tôi đợi đến mùa bắp mới mong có tiền đi Lạng-Sơn thăm con. Nhưng, cô ơi! Bắp chưa kịp trổ hoa thì thằng con của tôi đã chết trong tù!
Bảo-Trân lộ vẻ bối rối, không ngờ nàng vô tình khơi động nỗi đau trong lòng người đàn ông khốn khổ này. Sau một thoáng im lặng để nén xúc động, Bảo-Trân thở dài:
- Tội nghiệp quá! Chiến tranh chấm dứt lâu rồi nhưng di hại của nó chưa biết đến bao giờ mới vơi, phải không, thưa ông?
- Ngày còn chiến tranh thì khổ vì bom đạn, nghèo đói và chia lìa, nhưng còn hy vọng là sẽ được gặp lại con. Bây giờ hòa bình hai mươi năm rồi mà đói thì vẫn hoàn đói, nghèo thì cứ tự do nghèo, còn con thì chẳng còn!
Trong khi Bảo-Trân tìm chưa ra lời để xoa dịu nỗi đắng cay trong lòng người đàn ông thì Ninh, hướng dẫn viên du lịch cho nhóm cùng đi với Bảo-Trân, trờ tới, giọng hấp tấp:
- Cô! Cô đi nhanh lên. Cháu tìm cô từ nãy giờ. Mọi người lên xe cả rồi.
Ngồi trên xe, nhìn lại bến phà Phả-Lại, Bảo-Trân thấy người đàn ông lúc nãy đang còng lưng trên chiếc xe đạp. Sau lưng đeo nặng dĩ vãng đau buồn, trong lòng ôm kín niềm mất mát lớn lao trong đời và trước mặt là chuỗi ngày cô quạnh sắp đến của tuổi già, Bảo-Trân không hiểu cuộc đời của những người như người đàn ông này, thuộc cả hai miền Nam-Bắc, rồi sẽ ra sao!
Chiếc xe vẫn lắc mạnh như con tàu đang vặn mình theo từng con sóng dữ, nhưng hồn Bảo-Trân lại êm ả nhờ những ruộng bắp xanh rì và những luống bắp cải thẳng tắp, màu xam xám, dọc hai bên đường. Thấy nhiều người đàn bà tát nước bằng cái gàu cột vào ba thanh tre, Bảo-Trân nghĩ ngay đến những người đàn bà lam lũ ở làng Sơn-Tịnh thuở xưa. Và từ hình ảnh đó cùng câu chuyện thương tâm của người đàn ông gặp ở bến phà, Bảo-Trân thương mến ngay vùng đất lạ.
Song song với đường xe lửa, chiếc xe vẫn “bò” chầm chậm và lắc liên hồi trên tỉnh lộ lở lói. Đến một đoạn đường, gần thị xã Uông-Bí, du khách lại phải xuống xe đi bộ. Trong khi du khách ngoại quốc vừa đi vừa trầm trồ, chỉ chỏ cảnh vật chung quanh thì Bảo-Trân chậm bước, nhìn nhóm phu làm đường đang hì hục bên mấy đống đá. Hầu như người phu nào, cả nam lẫn nữ, cũng đều đội nón lá và dùng khăn trùm kín mặt, chỉ chừa hai mắt. Thấy người nào vóc dáng thấp, nhỏ nhắn và những sợi tóc dài bay lất phất trên phiến lưng gầy, Bảo-Trân nghĩ ngay đó là phu phái nữ. Nhìn kỹ, Bảo-Trân thấy nhóm phu chia làm hai, mặt đối mặt, đàn bà một bên, đàn ông một bên và ở giữa là đống đá lớn với mấy cái xẻng. Một đầu của đoạn giây thừng hoặc giây ny-lông được cột vào nơi giao tiếp của lưỡi và cán xẻng. Mỗi người đàn ông cầm đầu giây còn lại. Người đàn bà lum khum cầm cán xẻng, xắn mạnh xuống đống đá, liền khi đó, người đàn ông giật sợi giây về phía ông ta, thế là mớ đá bị kéo về phía ông ấy. Những động tác này rất đều đặn và liên tục. Trên những tấm thân gầy guộc của nhóm phu làm đường, mồ hôi kết thành dòng, thấm qua làn vải, thoát ra mùi nồng nồng, mằn mặn. Bảo-Trân biết chắc chắn rằng những vết hoen ố trên những bộ quần áo bà ba nhạt thếch hoặc đùng đục màu cháo lòng của mấy bác phu làm đường là do mồ hôi quyện với bụi đất, đọng lại!
Xe chạy song song với đường xe lửa, giữa những ruộng bắp xanh rì. Bảo-Trân thích thú khi thấy xa xa một khối xi-măng nhỏ, chung quanh bị sứt mẻ nhiều, màu sơn nhòe nhoẹt, loang lỗ, đứng xiêu vẹo bên đường. Khối xi-măng này, ngày xưa, lúc theo gia đình tản cư, Bảo-Trân thường thấy dựng bên lề đường để đánh dấu cây số (ki-lô-mét) và địa danh từng vùng. Từ ngày lớn lên ở miền Nam, Bảo-Trân không hề thấy nữa.
Xe chạy ngang trụ cây số, Bảo-Trân thấy ghi thị-xã Uông-Bí. Không hiểu thị-xã Uông-Bí trù phú và đông đúc như thế nào, nhưng dọc hai bên tỉnh lộ, Bảo-Trân thấy nhà gạch san sát và rất nhiều nhà lầu mới xây, tạo nên hai dãy phố vui. Bất ngờ Bảo-Trân thấy vài nhóm người mặc quần áo rất hợp thời trang Âu-Mỹ, khoác tay nhau đi rểu rểu trước những đôi mắt thèm thuồng của nhiều người. Bảo-Trân quay sang hỏi Ninh:
- Ninh ơi! Mấy người đi rảo rảo đó có phải là du khách không, Ninh?
- Dạ, có người là Việt-Kiều thứ thật, có người vượt biên, ở lại Hồng-Kông hoặc đảo nào đó một thời gian rồi bị trả về.
Bảo-Trân tính hỏi về tình trạng những người Việt bị cưỡng bách hồi hương, nhưng ngại nên thôi. Một lúc sau Bảo-Trân lại tính hỏi tại sao ngay giữa Hà-Nội mà hai ngày qua, bất cứ người nào nàng tiếp chuyện cũng đều nói chữ “L” thành ta chữ “N”, nhưng nghĩ lại, Bảo-Trân sợ va chạm, đành chuyển đề tài:
- Ninh đã vào Nam lần nào chưa?
Ninh cười, lắc đầu. Chú tài xế chen vào:
- Cháu vào rồi. Cháu vào rồi. Úi giời! Không ngờ được! Không ngờ được!
Bảo-Trân tò mò:
- Anh vào hồi nào, lâu chưa?
Chú tài xế hơi quay về phía Bảo-Trân, vỗ vỗ mấy đầu ngón tay của bàn tay mặt lên ngực, đáp:
- Cháu vào tiếp thu năm bẩy nhăm chứ hồi nào.
Bảo-Trân sa sầm nét mặt, cảm thấy tê tái trong hồn. Vì bận nhìn phía trước để lái xe, chú tài xế không nhận biết được sự xúc động của Bảo-Trân nên tiếp:
- Đáng nhẽ, theo kế hoặch, chúng cháu vào tiếp thu Saigon sớm hơn nữa kia. Nhưng tại Xuân-Lộc, gặp cánh quân của tướng… tướng gì nhẩy?
Nghe chú tài xế gọi Saigon chứ không gọi là thành phố Hồ-Chí-Minh, Bảo-Trân thấy vui vui, tính nhắc chú tài tên vị tướng miền Nam chỉ huy trận Xuân-Lộc là Tướng Lê-Minh-Đảo. Nhưng chợt nhớ ra chú tài xế là ai, Bảo-Trân sợ, im luôn. Chú tài xế tiếp:
- Lâu quá cháu chả nhớ. Nhưng cánh quân ấy đánh rát lắm cô ạ.
Giọng của chú tài xế đượm nhiều vui thích như đang kể một đoạn phim xi-nê chiến tranh khiến Bảo-Trân quay mặt đi để khỏi bật khóc. Một lúc sau, sự xúc động lắng xuống, Bảo-Trân hỏi:
- Khi vào đến Saigon, cảm giác đầu tiên của anh thế nào?
- Cần gì phải vào đến Saigon, cô! Mới đến Hàng-Xanh là chúng cháu đã sửng sốt, ngỡ ngàng dzồi!
- Tại sao? Cái gì làm cho anh sửng sốt, ngỡ ngàng?
- Hiện đại. Hiện đại vô cùng! Cái gì cũng tối tân, hiện đại.
Bất ngờ chú tài xế hơi quay mặt nhìn Bảo-Trân, tiếp:
- Thế năm bẩy nhăm “đồng chí”… ơ… ơ… quên, cô, cô ở đâu?
Bảo-Trân thoáng giật mình khi nghe chú tài gọi nàng là “đồng chí”. Sau khi nghe chú tài đính chính, Bảo-Trân cười. Vì không dám để lộ tông tích, nàng ngập ngừng nói dối:
- Dạ, dạ… ở… Huế.
- Thảo nào cháu nghe có vài chữ cô phát âm lơ lớ.
- Dạ, tại vì tôi chỉ Huế có… một nửa thôi.
- Thế à! Thế chuyến này về cô ghé Huế chưa?
- Dạ chưa.
Giọng chú tài trở nên nghiêm trọng:
- Cô phải ghé Huế thì mới hiểu rõ được lịch sử.
- Dạ lịch sử chi? Anh muốn đề cập đến những thảm cảnh chiến tranh ở miền Trung như đại lộ kinh hoàng hoặc Mỹ-Lai, phải không?
Chú tài quay sang Bảo-Trân, ném ánh mắt ngạc nhiên rồi nhìn thẳng phía trước:
- Đại lộ kinh hoàng là đại lộ nào, cô?
- Dạ, là quốc lộ I, đoạn từ Quảng-Trị vào Huế, khai sinh vào năm 1972.
- Ô, thế thì cháu biết rồi. Nhưng trận 72 và vụ Mỹ-Lai so với trận Mậu-Thân thì chả thấm thía gì đâu.
Bảo-Trân chưa biết chú tài xế muốn đề cập đến cái gì! Lẽ nào chú tài xế lại đem chuyện “phe của chú” thảm sát đồng bào vô tội ở Huế vào năm Mậu-Thân kể cho nàng nghe? Trong khi Bảo-Trân còn hoang mang, chú tài tiếp:
- Bọn Mỹ dã man thật! Trận Mậu-Thân chúng giết chết cả mấy nghìn người, bộ đội và nhân dân ta chôn không kịp, đành phải đào hố thật lớn, chôn tập thể đấy.
Bảo-Trân trợn mắt:
- Ai nói với anh là năm Mậu-Thân Mỹ giết mấy ngàn người ở Huế?
- Ai mà chả biết chuyện ấy, cô. Có thể năm Mậu-Thân cô còn bé hoặc kỳ này về cô chưa ghé Huế nên cô không biết; chứ nếu cô ghé Huế, đi tours, thì thế nào hướng dẫn viên du lịch cũng giải thích và chỉ những ngôi mộ tập thể ấy cho cô xem.
- Anh nói sao? Hướng dẫn viên du lịch giải thích cho du khách Việt-Nam và cả du khách ngoại quốc như vậy à?
- Vâng. Đó là sự thật của lịch sử thì mình cũng nên phổ biến cho cả thế giới biết chứ, phải không, cô?
Bảo-Trân nghẹn! Cả thế giới đều biết và phim ảnh cũng như sử sách đã ghi lại cuộc tổng công kích năm Mậu-Thân do Bắc quân chủ xướng; vậy mà họ bưng bít tài tình cho đến nỗi thuộc cấp của họ, những người không trực tiếp tham chiến trận Mậu-Thân, cũng không hay!
Trong khi Bảo-Trân cảm thấy không vui thì chú tài xế tiếp:
- Để chiều về cháu chạy ngang phố Khâm-Thiên cho cô xem vết tích của thời B-52 rải thảm.
Bảo-Trân lại ngạc nhiên:
- Ủa, tôi tưởng Mỹ chỉ thả bom những khu vực quân sự thôi chứ.
Chú tài cười thành tiếng:
- Thời chiến ở đâu không là căn cứ quân sự, cô. Cứ mỗi nhà là một căn cứ quân sự; vì nhà nào cũng có con em đi bộ đội cả.
Bảo-Trân lặng im, tựa lưng vào ghế thầm nghĩ đến câu nói của ông Dư, thân phụ của Bảo-Trân, ngày ông Dư mới sang Mỹ theo diện H.O: “… Sau khi từ trại Đồng-Găng bị chuyển ra A-30, mỗi chiều, sau giờ lao động, Ba dạy nhạc cho mấy chú vệ binh. Nhờ thường xuyên trực tiếp chuyện trò với họ Ba mới nhận ra rằng họ cũng đáng thương như những người tù miền Nam. Điểm khác nhau giữa họ và tù miền Nam là họ có khí giới và tù miền Nam có văn hóa. Vì thiếu văn hoá cho nên họ dễ bị tuyên truyền, dễ bị đầu độc và dễ bị bưng bít. Do đó họ thường có những suy xét và nhận định sai lầm. Ba nghĩ họ cũng chỉ là nạn nhân của một cơn lốc tàn khốc nhất trong lịch sử Việt-Nam cận đại mà thôi.”
Từ Bãi-Cháy, sau khi nhận đủ số khách cho một chuyến hải trình riêng biệt, đoàn ghe sơn phết lòe loẹt bắt đầu rời bến. Hầu hết du khách đều lên tầng trên để vừa sưởi nắng vừa ngắm cảnh vật vừa dễ chụp ảnh. Chỉ một mình Bảo-Trân ngồi lặng lẽ nơi khoang thuyền, lòng ôm nặng suy tư. Từ tầng trên, thấy vắng Bảo-Trân, Ninh leo xuống, chỉ về hướng trái:
- Thành phố Hạ-Long đấy. Cô không cần lên tầng trên. Cô chỉ ra đây thôi là đủ thấy rồi. Cô ra ngắm kẻo mai mốt không có dịp trở lại rồi tiếc.
Bảo-Trân bước ra, ngồi gần mũi ghe, kéo cao cổ áo. Trong từng cơn gió của một ngày chớm Đông, ngoài tiếng máy ghe vi vu, không còn bất cứ âm thanh nào khác. Ánh nắng chan hòa cả một vùng biển lặng. Mấy hải đảo nhỏ quanh đảo Cát-Bà mập mờ phía xa. Đối diện với đảo Cát-Bà, về phía trái của Bãi-Cháy, là thị xã Hòn-Gai, nay đổi là thành phố Hạ-Long, với từng dãy cao ốc san sát nhau, dọc bờ biển. Thành phố Hạ-Long không có những tòa nhà xây trên mặt nước, không có những thánh đường nguy nga với tháp chuông cao vời vợi, không có tiếng sóng vỗ lách tách quanh ngôi nhà cổ – nơi nhạc sư Mozart đã lưu trú một thời – và cũng không có cả tiếng phong cầm dìu dặt theo nhịp sóng nhấp nhô quanh mấy chiếc du thuyền nhỏ, nhưng sao Bảo-Trân vẫn cảm thấy vui thích và muốn ghé thăm một lần cho thỏa tính hiếu kỳ.
Ý tưởng ghé thăm thành phố Hạ-Long vừa lóe lên, Bảo-Trân chợt nhận ra sự chộn rộn trong nhóm du khách. Theo dòng âm thanh thầm thì của nhiều người và những ngón tay đang chỉ chỏ về phía xa, Bảo-Trân thấy hai mỏm đá mang hình thể như hai chú gà đâu mặt vào nhau. Đó là Hòn Gà-Chọi. Nhiều du khách đưa máy ảnh lên chụp hình.
Chiếc thuyền vẫn êm đềm len lỏi giữa những mỏm đá, làm sóng sánh mặt nước trong và xanh như ngọc thạch. Ninh đến ngồi cạnh Bảo-Trân:
- Cô ơi! Hòn Đầu-Người đấy.
Vừa nói Ninh vừa chỉ về hướng trái. Bảo-Trân nhận rõ những góc cạnh của khối đá mang dạng vừng trán, ổ mắt, sóng mũi, môi và cằm. Ninh tiếp:
- Chốc nữa cháu sẽ chỉ cô xem một gộp đá có hình con chó.
- Giống thật không, hay là mình phải vận dụng trí tưởng tượng?
- Thì cô cứ nhìn xem rồi sẽ biết.
Vừa khi ấy mũi ghe hơi chếch về bên phải. Bảo-Trân để ý, dường như càng xa bờ nước biển càng trở nên trong và xanh hơn. Khi ghe tiến thẳng, Bảo-Trân thấy một tảng đá cỡ bằng hình người, đứng im lìm cạnh một hải đảo nhỏ. Trên đảo, lưa thưa vài khóm cây cằn cỗi. Ghe vừa qua khỏi tảng đá một khoảng ngắn, Ninh gọi:
- Cô. Cô nhìn lui đi. Tảng đá ấy trông có giống con chó không?
Bảo-Trân hơi sửng sốt. Cũng một tảng đá, nhìn từ phía đối diện, Bảo-Trân chẳng thấy có gì lạ; bây giờ, ở một góc cạnh khác, trong tầm mắt Bảo-Trân là hình tượng một chú chó đang ngồi, hai chân trước khoanh ngang ngực. Từ đó Bảo-Trân nghiệm ra được tý “triết lý vụn”: Không nên phê phán bất cứ điều gì, bởi vì dưới nhãn quan của mình, dù từ bất cứ khía cạnh nào, cũng đều có tính cách phiến diện.
Giữa khung cảnh êm đềm, vắng vẻ này bỗng Bảo-Trân thấy xa xa vài chiếc thuyền nhỏ. Điều khiến Bảo-Trân nhức mắt là mấy cô chèo thuyền đều mặc quần đen, áo bà ba nhưng lại mang bao tay, loại mỏng, ngắn đến cườm tay cũng có, và loại dài đến khuỷu tay cũng có. Bảo-Trân chỉ nhóm thuyền, hỏi Ninh:
- Họ làm gì ở đó, Ninh?
- Đấy là hang Luồn. Ghe mình sẽ ngừng lại. Du khách sẽ xuống mấy chiếc ghe bé xíu ấy để đi thăm hang Luồn.
- Tại sao vào hang Luồn thì phải mang loại găng tay dành cho những dịp lễ lạc, dạ tiệc?
- Dạ, họ mang cho khỏi hư tay đấy, cô à. Loại găng tay ấy của Trung-Quốc bán thành ra không mắc lắm đâu.
Ghe lớn vừa giảm tốc lực, cả nhóm thuyền nhỏ chèo nhanh đến. Du khách lần lượt bước xuống thuyền. Thấy nước xanh biếc, Bảo-Trân nghĩ có lẽ mực nước sâu lắm. Nhìn quanh chiếc ghe, không thấy bất cứ một cái phao nào cả nên Bảo-Trân hơi do dự. Ninh giục:
- Không sao đâu. Cô vào xem cho biết.
Ninh quay sang nhóm ghe, tiếp:
- Này, chèo tay thôi nhá. Đừng mở máy tụi Tây nó sợ.
Ánh nắng hơi chếch về phía Tây, tạo bóng mát êm đềm trên một vùng biển lặng. Theo tiếng mái chèo khua trong nước, từng lượn sóng lăn tăn đuổi bắt nhau từ mạn thuyền cho đến bờ đá sậm màu.
Đoàn ghe từng chiếc, từng chiếc tiếp nối nhau tiến thẳng đến bờ đảo rồi mất hút. Khi ghe đưa Bảo-Trân đến gần bờ đảo nàng mới thấy một cửa hang hình chữ nhật, thật thấp, rộng và dài. Từ cửa hang bên này, xuyên qua lòng núi, Bảo-Trân thấy nước nơi cửa hang bên kia xanh ngát như màu mạ non. Ghe chầm chậm luồn vào hang. Tiếng róc rách của những làn sóng nhỏ từ mái chèo lan xa, va vào vách đá là âm thanh duy nhất trong khoảng không gian tĩnh mịch này.
Qua khỏi cửa hang, mấy cô chèo thuyền đều gác mái chèo. Thuyền trôi dật dờ. Bảo-Trân nhìn quanh, chỉ thấy núi vây kín, tạo nên một cái hồ tròn trịa. Quanh bờ hồ đều là đá và cây cằn cỗi; chỉ có một khoảng hẹp gần cửa hang là có cát. Nếu một lần nào đó Bảo-Trân đã xúc động, bàng hoàng trước sự hùng vĩ của hồ Diablo ở Seattle thì giờ đây Bảo-Trân cũng lắng hồn vào cõi tĩnh lặng của một phần quê hương mà suốt hai phần ba cuộc đời nàng chỉ biết tưởng tượng qua những tác phẩm của các nhà văn di cư.
Trên đường trở lại Bãi-Cháy, sau khi giải đáp vài thắc mắc của du khách, Ninh nhắc Bảo-Trân khoác áo lạnh, vì trời trở gió. Từ sáng đến giờ, thấy Ninh ân cần với mình, Bảo-Trân rất có cảm tình nên gợi ý:
- Cô có một thắc mắc, tính hỏi Ninh, được không?
- Dạ được chứ.
- Cô thấy tại các nước khác, khi hướng dẫn du khách ngoạn cảnh, hướng dẫn viên du lịch thường cầm micro giải thích cho du khách hiểu về nguồn gốc, lịch sử hoặc xuất xứ của một cảnh trí. Tại sao ở đây họ không tổ chức như vậy?
- Ngành du lịch của nước mình còn phôi thai lắm, cô. Hơn nữa phải có hướng dẫn viên chuyên nghiệp, Anh văn lưu loát cơ.
- Từ sáng đến giờ cô thấy Ninh nói tiếng Anh cừ lắm.
- Cám ơn cô. Ở đại học cháu đâu có học ngành du lịch.
- Vậy Ninh học ngành nào?
- Dạ, cháu học về tài chính, ngân hàng.
- Ninh tốt nghiệp rồi, phải không? Ngành tài chính, ngân hàng học mấy năm, Ninh?
- Dạ, học năm năm. Cháu ra trường gần hai năm rồi nhưng kiếm việc làm không ra nên cháu phải làm tạm nghề này.
- Làm hướng dẫn viên du lịch lương khá không, Ninh?
- Dạ, tương đương hai đô-la một ngày. Nhưng phải có chuyến đi, người hướng dẫn mới được trả lương chứ không phải ngày nào cũng được trả hai đô-la.
- Một học sinh muốn tiếp tục bậc đại học phải hội đủ những điều kiện nào?
- Dạ, sau lớp 12 phải thi ngoại ngữ, văn và toán. Thi đậu xong thì kê khai lý lịch cá nhân. Nếu được chấp nhận, hai năm đầu sinh viên phải học tổng quát rồi sau đó mới học chuyên ngành.
- Để được theo đuổi bậc đại học, mỗi sinh viên phải cần khoảng bao nhiêu tiền Việt- Nam một tháng?
- Dạ, khoảng một trăm nghìn.
- Từ lớp mấy học sinh mới học ngoại ngữ? Và ngoại ngữ nào thông dụng nhất?
- Dạ, hồi trước thì lớp 7; và ngoại ngữ thông dụng nhất là tiếng Nga. Nhưng sau này tiếng Anh thông dụng hơn. Và kể từ năm 1994, học sinh được dạy Anh văn ngay từ lớp Một.
- Ở Hà-nội có trường ngoại ngữ nào Ninh cho là khá?
- Trường Nội-Thành có nhiều giáo sư chuyên dạy nhiều sinh ngữ khác nhau nên khá lắm. Còn trường Ngoại-Thành ít giáo sư nên chỉ được chọn Anh hoặc Pháp ngữ thôi. Mà cô ơi! Ngay như những người xuất thân từ trường đại học ngoại ngữ, sau khi tốt nghiệp, cũng phải học Anh văn thêm.
- Ninh có thể cho cô biết qua về điều kiện đào tạo giáo chức không?
- Muốn dạy tiểu học, phải xong lớp 12, rồi học sư phạm hai năm sáu tháng. Dạy phổ thông cơ sở phải có cao đẳng sư phạm. Dạy phổ thông trung học phải có đại học sư phạm.
Bảo-Trân chưa kịp hỏi thêm, Ninh đã tiếp:
- Từ nãy giờ cô hỏi cháu hoài; bây giờ cô cho cháu hỏi cô một câu, nhé.
Bảo-Trân cười, quen miệng đáp “Okay”. Ninh cũng cười:
- Cô có phải là nhà báo không?
Mặc dù không phải là nhà báo, Bảo-Trân cũng hơi hoảng, lắc đầu lia lịa:
- Không. Không. Tại sao Ninh lại hỏi cô câu đó?
- Xin lỗi cô nhá. Tại vì cô là đàn bà, du lịch một mình, lại có cách khai thác người đối thoại hết sức tự nhiên và tài tình.
- Trong xã hội Âu-Mỹ, tinh thần tự lập của phái nữ rất cao và cuộc sống của họ không bị gò bó lắm. Họ tìm mọi cách để không tùy thuộc vào nam giới. Ở Việt-nam, một người đàn bà đi chơi xa, đó là một điều lạ; nhưng ở Âu-Mỹ, đó là chuyện thường. Còn về việc cô hỏi Ninh vài vấn đề có tính cách tổng quát cũng chỉ là sự tò mò dễ hiểu của một người xa quê hương quá lâu. Vậy thôi.
Ninh cúi đầu lặng thinh, tay vân vê nút áo lạnh. Dường như Ninh có vẻ tiếc là chàng đã nhẹ dạ để bị Bảo-Trân khai thác. Bảo-Trân không muốn bị Ninh hiểu lầm nên tìm cách làm thân, hỏi sang địa hạt khác:
- Gần Noel rồi mà sao cô không thấy ai trang hoàng gì cả vậy, Ninh?
- Bao nhiêu năm rồi, Hà-Nội đâu có trang hoàng Noel.
- Vậy à! Ở Saigon Noel đẹp lắm. Họ tổ chức vô cùng trang trọng.
- Bất cứ địa hạt nào, ngay cả sách báo, điện ảnh, âm nhạc, Hà-Nội cũng đi sau Saigon cả, cô ạ.
- Nhạc Rock và Rap có du nhập vào Hà-Nội được không, Ninh?
- Dạ có, nhưng không thành công và không bằng trong Nam.
- Ninh và những người trẻ nghĩ gì về âm nhạc miền Nam trước 75, mà người Bắc gọi là nhạc vàng?
- Cháu xin lỗi cô nhá! Chỉ những người cỡ tuổi cô mới thích nhạc vàng; còn chúng cháu…
Ninh lắc đầu, cười, dừng lại ở đó. Bảo-Trân nghĩ rằng Ninh trả lời rất thật; vì mấy hôm nay ghé vào tiệm bán băng nhạc và sách báo, Bảo-Trân cũng được mấy cô cậu bán hàng cho biết như vậy. Bảo-Trân lại hỏi:
- Về sách báo, Ninh nhận xét như thế nào về nhà văn phản kháng Dương-Thu-Hương?
- Dạ, Dương-Thu-Hương là ai, thưa cô?
Bảo-Trân hơi sửng sốt. Một thanh niên tốt nghiệp đại học, tại sao lại không biết gì về một nhân vật đã từng làm tốn hao giấy mực của báo chí hải ngoại? Bảo-Trân đâm ra nghi ngờ Ninh:
- Ninh lớn lên tại Hà-Nội, tốt nghiệp đại học, vậy mà Ninh không biết Dương-Thu-Hương là ai, lạ thật!
Nét mặt Ninh vẫn bình thản, không lộ một tý bối rối nào cả; điều đó cho Bảo-Trân hiểu rằng Ninh không hề nói dối. Ninh đáp:
- Có thể những người đồng trang lứa với bà ấy biết bà ấy; còn chúng cháu chỉ muốn chôn vùi quá khứ, nhất là một quá khứ đầy lỗi lầm và thù hận, để hướng về ngày mai.
- Đa số trí thức trẻ ở ngoại quốc cũng nghĩ như vậy.
Được cơ hội hỏi Bảo-Trân một câu, Ninh không chần chừ một giây:
- Riêng cô, cô nghĩ như thế nào?
- Nói thật với Ninh, ngày chú bị đày ra Bắc, cô uất hận vô cùng. Những lần vượt đèo, trèo núi đi thăm chú, ngoài chút thực phẩm và thuốc men, cô cũng mang theo niềm thống hận. Khi phải bỏ chú lại để cùng các em đói khát, lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ để tìm lẽ sống, lòng cô cũng đầy oán hờn. Nhưng dạo này, nhờ đọc những cuốn sách người ngoại quốc viết về Hà-Nội cô mới thấy rằng không phải tất cả người Việt sống ngoài Bắc đều là Cộng-Sản. Khi thăm viếng nhiều nơi quanh Hà-Nội và tiếp xúc với người Hà-Nội, cô mới nhận ra rằng Hà-Nội và người Hà-Nội cũng là nạn nhân của một tập thể đầy ác tính.
Ninh xúc động, lặng lẽ nhìn Bảo-Trân. Một lúc sau Ninh đáp:
- Cảm ơn cô đã nghĩ như thế.
Bảo-Trân mỉm cười, nhìn Ninh rồi nhìn mông ra biển khơi. Tự dưng Bảo-Trân nhớ đến chuyến hải hành buồn thảm dọc theo miền duyên hải Trung phần, trên dương-vận-hạm Nhatrang, HQ 505, vào những ngày cuối tháng Ba năm 1975. Thời gian đó nước mắt Bảo-Trân đã nhạt nhòa và tim nàng đã quặn thắt theo từng cơn hấp hối của những thành phố thân yêu. Trong gần một phần tư thế kỷ qua, không thể nào Bảo-Trân có thể biết được những phần đất ấy đã thật sự hồi sinh hay chưa; nhưng bây giờ, nhìn quanh vùng quê hương xa lạ này, Bảo-Trân đã nhận thấy được sự hồi sinh muộn màng!
ĐIỆP-MỸ-LINH
No comments:
Post a Comment